Từ nước Pháp nhớ về Euro 1996

Hè năm nay vừa tròn hai mươi năm kể từ kỳ Euro được xem là cảm xúc và nhiều bất ngờ nhất trong lịch sử.

Giải năm ấy được tổ chức tại Anh, chỉ cách Pháp một eo biển Manche. Và đấy là giải đấu lớn gần nhất mà đội tuyển quốc gia xứ sương mù thật sự khẳng định được tư thế của một đội bóng hàng đầu.

Cho đến lúc này, những CĐV giàu hoài niệm như vẫn thấy Paul Gascoigne nằm đó, không thể tin là anh vừa bỏ qua một cơ hội để đời. Đấy là hiệp phụ của trận bán kết Euro 1996. Anh và Đức đang hòa 1-1. Trong tình huống có thể là bước ngoặt của trận đấu, bóng cắt ngang mặt khung thành Đức và thủ thành Andreas Koepke đã bị loại bỏ và trước mặt Gascoigne chỉ là khung thành trống. Anh lao đến và... đệm hụt bóng. Cơ hội ghi Bàn thắng vàng đầu tiên trong lịch sử các kỳ Euro đã trôi qua mãi mãi.

Pha đệm bóng hụt nổi tiếng của Gascoigne.

Nếu có bàn thắng đó, Anh sẽ vào chung kết gặp CH Czech. Cơ hội vô địch trước khán giả nhà là rất lớn. Nhưng vì đệm hụt, Gascoigne và các đồng đội phải thi sút luân lưu với Đức và như thường lệ, họ... thất bại. Lời đúc kết chua chát năm nào của huyền thoại Gary Lineker hiện về: "Bóng đá là một trò chơi đơn giản. Hai mươi hai gã đàn ông chạy theo một quả bóng và cuối cùng Đức là đội chiến thắng".

Đức đúng là đội đã chiến thắng giải đấu năm ấy. Họ vào chung kết và đánh bại CH Czech với Bàn thắng vàng trong hiệp phụ của Oliver Bierhoff. Sau này, người ta nói thực ra Bàn thắng vàng, hay còn gọi là Cái chết bất ngờ là một sản phẩm do chính người Đức nghĩ ra. Nhưng dù nguồn gốc thế nào đi nữa, Đức cũng là đội hưởng lợi đầu tiên từ điều luật này, trong giải đấu lớn đầu tiên áp dụng nó.

Với các khán giả của thế hệ 7x hay 8x, Euro 1996 là một giải đấu khó quên, thậm chí đối với nhiều người đó là giải đấu lớn hay nhất của châu Âu mà họ từng được theo dõi. Các trận đấu luôn hấp dẫn, những khán đài luôn cuồng nhiệt. Bất ngờ xuất hiện liên tục và tràn ngập những ngôi sao.

Năm ấy, Jordi Cruyff chơi giải đấu đáng nhớ duy nhất của anh trong màu áo đội tuyển Hà Lan, Michael Laudrup tiếp tục thể hiện ma thuật từ đôi chân, Peter Schmeichel ngã xuống như một cái cây bị chặt gốc bởi cú dứt điểm tuyệt luân của Davor Suker. Ở đó, Hristo Stoichkov ghi bàn trong ba trận liên tiếp, rốt cục chỉ để chứng kiến đệ tứ anh hào của World Cup 1994 bị loại ngay từ vòng bảng. Ở đó, Radek Bejbl làm sững sờ Italy, Karel Poborsky bấm bóng qua đầu Vitor Baia để tiễn chân tập thể tuyệt đẹp của Luis Figo và Rui Costa về nước. Ở đấy, Alan Shearer giơ tay lên sau mỗi pha ghi bàn. Và làm sao quên được mái tóc bay trong gió của Fernando Couto, Karel Poborsky và Trifon Ivanov, người vừa qua đời năm này vị trụy tim.

Shearer là Vua phá lưới của Euro năm ấy với năm bàn cho dù trước giải dư luận chỉ trích Terry Venables tơi bời vì gọi anh vào đội tuyển. Khi Shearer đã được triệu tập, người ta lại chỉ trích quyết định dùng anh đá chính. Vâng, hai mươi năm trước, nước Anh có những tiền đạo lẫy lừng lục địa già, từ Teddy Sheringham, Les Ferdinand cho đến Robbie Fowler. Vì quá dư thừa chân sút, Venables đã mạnh dạn loại Peter Beardsley - chân sút chủ lực của Newcastle và Andy Cole. Ngày ấy, báo chí Anh còn mở chiến dịch truyền thông để mang Matt Le Tissier lên tuyển. Nhưng Venables vẫn trao trọn niềm tin cho anh chàng tiền đạo đã không ghi nổi bàn nào suốt 12 trận quốc tế, trải dài qua hai năm trước đó.

Shearer là một trong những bất ngờ lớn của giải năm đó.

Và rồi Shearer đã ghi bàn và trở thành siêu sao hàng đầu của giải đấu năm ấy. Euro 1996 trở thành mảnh đất cho những bất ngờ. Có bất ngờ mang tên CH Czech, với anh chàng Poborsky lãng tử, với tiền đạo Vladimir Smicer tranh thủ cưới vợ trước trận chung kết vì không thể hoãn lại ngày cưới, bởi có mơ anh cũng không thể ngờ là CH Czech lại đi một mạch đến chung kết. Ngày ấy, người ta còn thấy một Pavel Nedved chưa nổi danh, đang sải những bước chạy tự tin bên cánh phải.

Với những người trẻ tuổi Việt Nam, họ chẳng thể quên một đội tuyển Đức toàn... vần "ơ". Từ Jurgen Kohler, Matthias Sammer, Thomas Haesler, Andy Moeller, Schneider, Christian Ziege, Thomas Helmer... Đấy là một đội tuyển Đức không mạnh, chí ít là trong cách nhìn của giới chuyên môn thời ấy. Nhưng một lần nữa người Đức cho thấy thứ bản lĩnh thương hiệu. Đấy cũng là đỉnh cao cuối cùng của một Mannschaft xù xì và thực dụng trước khi họ bước vào một cuộc cách mạng hình ảnh trong thế kỷ mới.

Đức lên ngôi giải năm đó nhờ bàn thắng vàng của Bierhoff.

Chúng ta còn thấy những siêu sao được kỳ vọng nhưng không thật sự tỏa sáng. Từ Zinedine Zidane, Gianfranco Zola đến Jurgen Klinsman... Chúng ta tiếc nuối cho một CH Czech tài hoa nhưng rốt cục đã thua trước cái bản lĩnh khôn cùng của người Đức. Không giống như Euro 2004 mà Hy Lạp đã làm nên chấn động, CH Czech chinh phục tất cả với lối chơi quyến rũ tuyệt vời dưới thời HLV Dusan Uhrin. Nhớ Patrick Berger tuyệt hay ở vị trí số 10, nhớ Miroslav Kadlec vững vàng ở vị trí chốt chặn cuối cùng vào cái thời đang "mốt" trung vệ thòng. Nhớ Poborsky và Nedved như những cơn lốc.

Sau giải ấy, CH Czech sa sút, tuyển Anh thì mãi mãi chỉ còn là những anh chàng học việc ở những giải đấu lớn. Sức nóng mà họ mang lại cho các trận đấu vì thế cũng biến mất. Một mùa Euro nữa lại đang diễn ra, trong dự báo về sự lên ngôi của trường phái thực dụng - phản công, và làm chúng ta nhớ mãi kỳ Euro của 20 năm trước.

Thời gian vút qua nhanh đến chóng mặt, như một cú qua người của Poborsky!

Post a Comment

Top Nhà Cái Cung Cấp Link Vào Nhà Cái Cá Cược Hàng Đầu Tại Việt Nam | Top Nhà Cái Hướng Dẫn Cá Cược Nhanh Chóng Tại Các Nhà Cái Uy Tín

Previous Post Next Post